Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà - Hỗn loạn cảm xúc

Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà – Hỗn Loạn Cảm Xúc

Lo lắng, bất an, sợ hãi, tức giận và đau khổ được gọi chung là hỗn loạn cảm xúc là những cảm xúc mà người bệnh và gia đình thường gặp khi đối mặt với ung thư. Đây là những phản ứng thông thường trước những áp lực của căn bệnh.

Có thể bạn sẽ gặp khó khăn với những nhiệm vụ trong gia đình và mất kiểm soát đối với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Những thay đổi trong cách nhìn nhận mọi thứ, hay đơn giản là cú sốc sau khi phát hiện bệnh có thể dẫn đến cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng. Rất nhiều người cảm thấy mơ hồ về tương lai, lo lắng về cơn đau và không biết điều gì sẽ xảy đến. Sự thay đổi diễn ra trong cơ thể, hay giảm sút sức khỏe là điều thường gặp. Nỗi sợ hãi mất đi sự tự chủ, thay đổi các mối quan hệ tình cảm và trở thành gánh nặng cho người khác có thể là quá lớn để đối mặt trong khoảng thời gian ngắn.

Các thành viên trong gia đình cũng có thể có những cảm giác này bởi lẽ họ cũng cảm thấy mơ hồ về tương lai, thậm chí đau đớn khi người thân bị ung thư. Họ có thể cảm thấy tội lỗi và thất vọng khi những gì họ làm cho người bệnh không thể đủ, hay dường như mọi thứ họ phải làm bây giờ là quá tải. Rất nhiều người chăm sóc cảm thấy áp lực khi cố gắng cân bằng mọi thứ từ công việc, chăm sóc con cái, chăm sóc bản thân cùng việc trông nom người bệnh. Tất cả những điều này đều là những vấn đề thường xuyên xảy ra khi chăm sóc người bệnh ung thư.

Có những lúc người bệnh trở nên quá lo lắng, sợ hãi và không còn có thể đương đầu với cuộc sống từng ngày. Nếu điều này xảy ra, người bệnh và gia đình có thể nhận sự trợ giúp từ chuyên gia trị liệu hoặc tư vấn viên về sức khỏe tâm thần.

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh bị hỗn loạn cảm xúc?

  • Cảm thấy lo lắng, quá sức chịu đựng
  • Khó khăn trong suy nghĩ, giải quyết vấn đề và ra quyết định (thậm chí với những việc rất nhỏ)
  • Cảm thấy dễ bị kích động, bồn chồn, hay hoảng sợ
  • Cảm thấy căng thẳng
  • Lo ngại sẽ “mất kiểm soát”
  • Cảm giác không mấy dễ chịu giống như có điều gì đó tồi tệ đang sắp xảy đến
  • Cảm thấy run
  • Đau đầu
  • Cáu kỉnh và hay dễ nổi giận với người khác
  • Khó khăn khi đối mặt với mệt mỏi, đau đớn, buồn nôn và các triệu chứng khác
  • Ngủ không ngon hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ

Người bệnh bị hỗn loạn cảm xúc có thể làm gì

  • Chia sẻ về những cảm xúc và nỗi sợ hãi mà bạn và gia đình có thể đối mặt – Cảm giác buồn và thất vọng là điều bình thường
  • Cùng gia đình và những người chăm sóc quyết định những gì mọi người có thể làm để trợ giúp lẫn nhau.
  • Đừng đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác khi bạn thấy lo lắng và sợ hãi. Thay vào đó, hãy tập trung vào những suy nghĩ, lo lắng và niềm tin về những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống của bạn.
  • Nhận sự giúp đỡ trực tiếp hay qua các nhóm hỗ trợ.
  • Nhờ bác sỹ/ điều dưỡng giới thiệu chuyên gia hoặc tư vấn viên về sức khỏe tâm thần để làm việc trực tiếp với bạn và gia đình.
  • Cầu nguyện, thiền hoặc các phương pháp hỗ trợ về tinh thần khác.
  • Cố gắng hít thở sâu và tập các bài thể dục thư giãn nhiều lần trong ngày (Ví dụ, nhắm mắt, thở sâu, tập trung vào từng bộ phận trên cơ thể, thư giãn, bắt đầu từ các ngón chân cho đến đỉnh đầu. Khi đã cảm thấy thư thái, hãy tưởng tượng mình đang ở một nơi thực sự dễ chịu như một bãi biển thoáng gió hay đồng cỏ đầy nắng)
  • Cắt giảm lượng Cafein (từ cà phê, trà, nước tăng lực). Các đồ uống này có thể khiến tình trạng lo lắng trở nên tồi tệ hơn.
  • Trao đổi với bác sỹ về các loại thuốc có thể sử dụng.

Người chăm sóc người bệnh bị hỗn loạn cảm xúc có thể làm gì

  • Nhẹ nhàng hướng người bệnh chia sẻ về những nỗi sợ hãi và lo lắng mà họ gặp phải
  • Đừng ép người bệnh phải nói trước khi họ sẵn sàng
  • Lắng nghe kỹ, không xét đoán cảm xúc của người bệnh hay của chính bạn.
  • Trò chuyện với người bệnh để quyết định xem bạn có thể làm gì để hỗ trợ tốt hơn.
  • Với những người bệnh lo lắng quá mức, việc dò hỏi thường không thực sự hiệu quả. Thay vào đó, hãy trao đổi với bác sỹ về các triệu chứng và vấn đề mà bạn nhận thấy.
  • Để tự giảm áp lực cho chính mình, hãy thử những gì người bệnh có thể làm ở trên, hoặc sử dụng các biện pháp mà bạn đã từng sử dụng và có hiệu quả.
  • Cân nhắc việc nhận sự giúp đỡ từ các nhóm hoặc nhân viên tư vấn trực tiếp.

Gọi ngay cho bác sỹ nếu như người bệnh bị hỗn loạn cảm xúc:

  • Gặp vấn đề khi thở
  • Ra mồ hôi hoặc da ửng đỏ, tim đập nhanh và mạnh
  • Cảm thấy cực kỳ bất an
  • Lưu ý rằng một vài loại thuốc và thuốc bổ có thể khiến tình hình xấu hơn. Nếu chứng lo âu trở nên tệ hơn sau khi dùng một loại thuốc mới, hãy trao đổi ngay với bác sỹ về điều này.

(Theo Phòng khám Gia đình Việt Úc)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội