Viêm Gan B Có Gây Ung Thư Gan? - Phòng khám gia đình Việt Úc

Viêm Gan B Có Gây Ung Thư Gan?

1. Tổng quan về viêm gan B

Viêm gan B là một vấn đề sức khỏe quan trọng của toàn cầu, ước tính trên thế giới hiện có khoảng 400 triệu người đang bị nhiễm viêm gan B mạn tính. Viêm gan B là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến xơ gan (sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo dẫn đến mất chức năng gan) và ung thư tế bào gan. Thống kê gần đây cho thấy ung thư gan là loại ung thư gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tỉ lệ mắc ung thư gan gấp 10 đến 60 lần đối với những người nhiễm viêm gan B, tùy thuộc vào tình trạng hiện diện của các kháng nguyên HBsAg và HBeAg. Viêm gan B được xem là yếu tố sinh ung thư phổ biến chỉ đứng sau hút thuốc lá. 

2. Các triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm HBV

Viêm gan B thường chia làm 3 giai đoạn là viêm gan B tối cấp, cấp tính và mạn tính. Viêm gan tối cấp là bệnh lý viêm gan có triệu chứng toàn thân nặng nề, diễn tiến nhanh chóng có thể dẫn tới suy gan, thậm chí tử vong cho người bệnh. Đối với giai đoạn nhiễm viêm gan B cấp tính: thời gian ủ bệnh thường dưới 6 tháng. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn này. Một số người có thể có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít sẫm màu, đau tức vùng gan, nôn và buồn nôn. Khoảng 90% bệnh nhân viêm gan B cấp tính sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tuy nhiên, còn 10% bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính.

Đối với giai đoạn nhiễm viêm gan B mạn tính: Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi bệnh diễn tiến lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan, khi đó sẽ có những dấu hiệu như: gan to, lòng bàn tay son, dấu sao mạch, báng bụng, vàng da, xuất huyết.

Viem-gan-B-co-gay-ung-thu-gan

3. Cơ chế lây nhiễm HBV

Viêm gan B là một loại bệnh truyền nhiễm, và rất dễ lây lan trong cộng đồng. Ba con đường lây truyền vi rút viêm gan B bao gồm:

– Đường máu

– Đường tình dục

– Lây từ mẹ sang con

 

Cơ chế gây ung thư gan của virus viêm gan B như thế nào?

Virus viêm gan B sẽ chèn bộ gen của mình vào bộ gen người, làm mất cân bằng hệ gen cũng như các yếu tố di truyền của người bị nhiễm. Hậu quả của quá trình này sẽ làm rối loạn sự chết tế bào theo lập trình và quá trình tăng sinh của tế bào gan. Kết quả của hai rối loạn trên sẽ dẫn đến ung thư gan. 

Bên cạnh đó viêm gan B mạn tính còn dẫn đến tình trạng xơ gan, điều này cũng gián tiếp hình thành nên ung thư gan.

Xem thêm bài viết:

=>> Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà

=>> Giảm nguy cơ ung thư gan với cafe và trà?

=>> Chăm sóc giảm nhẹ với người bệnh ung thư gan

4. Phòng ngừa viêm gan B?

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo toàn bộ trẻ sơ sinh cần được chích vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sanh, bất kể tình trạng nhiễm viêm gan B của mẹ.

Đối với người lớn, tiêm ngừa vắc xin viêm gan B được chỉ định cho tất cả các trường hợp không có bằng chứng nhiễm viêm gan B trước đó. Lịch tiêm chủng thường gồm 3 mũi, khoảng cách tối thiểu giữa mũi thứ 2 và mũi tiêm đầu tiên là 1 tháng, mũi thứ 3 và mũi thứ 2 là 2 tháng. Thông thường lịch tiêm chủng vắc xin viêm gan B là mũi 2 cách mũi 1 trong thời gian 1 tháng, mũi 3 cách mũi 1 là 6 tháng, vị trí tiêm là cơ delta ở cánh tay.

Khuyến cáo: nên định lượng lại nồng độ kháng thể kháng vi rút viêm gan B (anti-HBs) sau khi chích xong mũi vắc xin viêm gan cuối cùng 1-2 tháng. Nồng độ kháng thể đủ để bảo vệ là trên 10 mIU/ml. Nếu đã chích từ 3 mũi vắc xin trở lên và nồng độ kháng thể kháng viêm gan (anti-HBs) sau khi chích 1-2 tháng trên 10mIU/ml, bạn không cần phải định lượng lại kháng thể nữa, theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) khuyến cáo. Nếu trường hợp sau khi chích 3 mũi vắc xin, bạn được định lượng lại nồng độ kháng thể, nhưng anti-HBs vẫn dưới 10mIU/ml, CDC khuyến cáo bạn nên chích thêm 2 mũi nữa rồi đánh giá lại.

 Tuy nhiên, một số đối tượng cần chích nhắc lại vắc xin nếu nồng độ kháng thể HBs dưới 10 mIU/ml. Những đối tượng đó bao gồm: những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có nhiều nguy cơ phơi nhiễm với viêm gan B. 

5. Điều trị viêm gan B như thế nào?

Hơn 90% người lớn bị viêm gan B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút. Điều trị viêm gan B giai đoạn cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ. 

Đối với những trường hợp viêm gan B mạn tính, lựa chọn điều trị đầu tiên thường phải dựa trên nhiều yếu tố như: người bệnh có xơ gan không, men gan AST, ALT và tải lượng virus. Mục tiêu điều trị trong viêm gan B mạn tính là ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, dự phòng các đợt bùng phát và ngăn ngừa diễn tiến tới xơ gan, ung thư gan. Lựa chọn ban đầu thường là thuốc uống (tenofovir hoặc entecavir), một số trường hợp đặc biệt có thể được điều trị với PEG interferon. Điều trị viêm gan B mạn tính với thuốc uống là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời. 

6.Kết luận:

HBV có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, ung thư tế bào gan. Virus viêm gan B gây ung thư gan có thể theo con đường trực tiếp chèn bộ gen của mình vào người nhiễm hoặc thông qua con đường gián tiếp bởi quá trình viêm và xơ gan. Chích ngừa vắc xin viêm gan B là biện pháp dự phòng hiệu quả và an toàn. 

Nguồn: Kiến thức Ung thư cho mọi người


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội