Bạn hoặc người thân có kết quả xét nghiệm Covid 19 dương tính và được xác nhận là nhiễm Covid 19 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đừng lo lắng!
Phòng khám gia đình Việt Úc cung cấp các kiến thức về “ Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người nhiễm Covid 19” giúp bạn và người thân có thể vượt qua dịch bệnh một cách tốt nhất.
Vậy người nhiễm Codid 19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà như thế nào?
Hãy làm theo các việc sau để đảm bảo sức khỏe của người nhiễm Covid luôn được đảm bảo nằm trong ngưỡng an toàn bạn nhé.
1. Theo dõi sức khỏe thường xuyên
Đây là điều kiện tiên quyết giúp bạn và người thân đánh giá được tình trạng của người nhiễm covid 19 khi tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Hãy làm theo các điều sau đây:
1.1. Điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều
1.2. Những dấu hiệu cần tự theo dõi sức khỏe hàng ngày:
– Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa ô xy trong máu – SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
– Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;
– Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…
1.3. Các dấu hiệu cần báo ngay với nhân viên y tế:
Nếu có MỘT trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình để được xử trí và chuyển viện kịp thời:
a) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
b) Nhịp thở tăng:
– Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút
– Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,
– Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (Lưu ý: Theo dõi trẻ em em trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc)
c) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). Khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo. Tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.
d) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
e) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
f) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
g) Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
h) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
i) Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
k) Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết…
l) Bất ky tình trạng nào mà bạn cảm thấy không ổn, lo lắng.
2. Sử dụng nhiệt kế
Để chủ động trong việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà của người nhiễm Covid thì sử dụng nhiệt kế và việc vô cùng quan trọng. Bạn cần chắc chắn 2 điều
– Nên chuẩn bị 2 chiếc nhiệt kế: Một chiếc dùng cho người nhiễm, chiếc còn lại dùng cho những người khác.
– Luôn đo thân nhiệt người nhiễm ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường, ghi vào phiếu theo dõi sức khỏe.
a) Những việc nên làm:
– Làm theo hướng dẫn đi kèm nếu sử dụng nhiệt kế điện tử.
– Rửa tay và sát khuẩn nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn trước và sau mỗi lần sử dụng.
– Liên hệ với nhân viên y tế phụ trách hỗ trợ gia đình nếu có người trong gia đình bị sốt ( trên 38°C ) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36oC).
b) Cách sử dụng nhiệt kế:
– Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây và lau khô.
– Sát trùng toàn bộ nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn 70 độ trước và sau mỗi lần dùng.
– Đối với nhiệt kế thủy ngân, vẩy xuôi nhiệt kế vài lần để mực thủy ngân xuống dưới mức 36,50C trước khi đo.
– Làm theo hướng dẫn đi kèm nhiệt kế điện tử để đọc nhiệt độ. Đối với nhiệt kế thủy ngân, nếu khó đọc, nghiêng qua, nghiêng lại nhiệt kế để nhìn rõ mức thủy ngân.
– Rửa tay và sát khuẩn nhiệt kế. Cất nhiệt kế ở nơi an toàn.
3. Xử trí một số triệu chứng
Nếu đang trong quá trình tự theo dõi sức khỏe sau nhiễm Covid 19 mà có những triệu chứng đơn giản, hãy xử trí như sau:
a) Nếu sốt:
– Đối với người lớn: > 38.50 C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
– Đối với trẻ em: > 38.50 C, uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10- 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.
– Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản l{ người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.
b) Nếu ho: dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sỹ.
c) Có thể dùng thêm các vitamin theo đơn thuốc của bác sỹ.
4. Ứng phó khi căng thẳng tinh thần
Khi một người nhiễm COVID-19, các thành viên trong gia đình có thể thấy lo âu, căng thẳng.
4.1. Người nhiễm COVID-19 có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như:
– Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân.
– Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung.
– Ăn uống kém, chán ăn.
– Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch…
– Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn.
– Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn.
4.2 Cách ứng phó với căng thẳng tinh thần khi tự theo dõi sức khỏe tại nhà như sau:
a) Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok…
b) Chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân:
– Hít thở sâu hoặc thực hành thiền.
– Cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.
– Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya.
– Tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
– Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)…
– Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
– Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Tâm sự về những lo lắng.
– Kết nối với các tổ chức cộng đồng hoặc tôn giáo hoặc nhóm diễn đàn xã hội.
– Thừa nhận là việc căng thẳng cũng không sao, không có gì là xấu hổ khi nhờ người khác giúp đỡ
5. Tập luyện để nâng cao sức khỏe
Người nhiễm COVID-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe giúp quá trình tự theo dõi sức khỏe tại nhà của bạn trở lên dễ dàng hơn.
5.1. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp:
– Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.
– Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm.
– Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.
– Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
5.2. Một số bài tập thở, vận động gồm:
– Các bài tập thở.
– Vận động tại giường
– Bài tập giãn cơ
– Bài tập thể lực tăng sức bền
– Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà của người nhiễm Covid không hề khó như chúng ta nghĩ. Hãy làm theo 5 hướng dẫn trên để nhanh chóng khỏi bệnh và trở về với các sinh hoạt thường nhật bạn nhé.
Nguồn: Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid 19 tại nhà do Bộ Y Tế phát hành.
Xem thêm bài viết: Tổng quan hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid 19 tại nhà
Nếu Quý khách có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh ung thư tại nhà, Quý khách vui lòng liên hệ:
HOTLINE HÀ NỘI: 1800 6896
HOTLINE HỒ CHÍ MINH: 1800 6894
NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Nhận ngay tư vấn miễn phí từ đội ngũ chuyên viên của phòng khám gia đình Việt Úc.