Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà - Tình dục

Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà – Tình Dục

Tình dục không chỉ là hành động quan hệ mà còn bao gồm cả nắm tay, cái nhìn đặc biệt, ôm, hôn,…Phần này sẽ đề cập đến tác dụng phụ của các phương pháp điều trị khác nhau đối với đời sống tình dục của người bệnh và cách giải quyết một số vấn đề thường gặp. Việc trao đổi với bác sỹ và đặc biệt là người thân khi có bất cứ thắc mắc nào là hết sức quan trọng. Hãy nhớ rằng sự ấm áp, chu đáo và gần gũi về thể chất lẫn tinh thần cũng đáng quý như bất cứ thứ gì khác trong mối quan hệ của bạn.

Hóa trị, xạ trị và phẫu thuật ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ – một số người có thể không còn khả năng sinh con. Việc điều trị có thể gây ra mãn kinh sớm ở nữ và mất khả năng sản xuất tinh trùng bình thường ở nam, tuy nhiên không thể đoán trước tình trạng của bất kỳ ai. Một số người vẫn có thể sinh con sau khi điều trị trong khi số khác thì không.

Hóa trị và xạ trị cũng có thể gây dị tật bẩm sinh cho em bé nếu thụ thai trong khi điều trị hoặc trong vòng vài tuần lễ kết thúc điều trị. Tránh mang thai trong khi hóa trị hoặc xạ trị. Tìm hiểu xem bạn nên chờ bao lâu sau khi các liệu trình điều trị kết thúc trước khi cố gắng thụ thai. Nếu bạn muốn có em bé sau đó, hãy thực hiện trước khi bắt đầu điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà tình dục

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà tình dục

1. Người bệnh có thể làm gì khi có nhu cầu tình dục

– Xác định rằng ham muốn tình dục có thể giảm vì nhiều lý do. Nỗi sợ hãi khi đối mặt với bệnh tật, lo lắng về việc điều trị và ảnh hưởng của nó chỉ là một phần nhỏ. Hóa trị đôi lúc có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi. Xạ trị ở vùng xương chậu hoặc vùng sinh dục có thể gây đau khi quan hệ. Các liệu pháp điều trị liên quan đến hooc môn và cắt bỏ buồng trứng hoặc tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến lượng hooc môn trong cơ thể của bạn. Tất cả những điều này đều có thể tác động đến ham muốn hoặc khiến bạn ít có khả năng quan hệ tình dục hơn.

– Trò chuyện với đối tác về cảm giác và những lo lắng của bạn.

– Chờ đợi cho đến khi bạn cảm thấy sẵn sàng cho hoạt động tình dục. Đừng tự ép bản thân mình.

– Hãy nói với đối tác khi bạn sẵn sàng cho hoạt động tình dục. Đừng đợi cho đến khi đối tác đòi hỏi.

– Để làm giảm khả năng bị nhiễm trùng, tránh quan hệ nếu lượng bạch cầu của bạn quá thấp. Trao đổi với bác sỹ về vấn đề này.

– Tận hưởng những hình thức gần gũi khác như chạm, vuốt ve và những cái ôm.

– Hãy hiểu rằng bạn không thể lây bệnh ung thư cho đối tác.

– Hãy thử những hình thức khác như dùng tay hoặc miệng, vuốt ve, âu yếm hoặc hôn nếu cảm thấy không thoải mái với hoạt động quan hệ tình dục thông thường. Bạn có thể thử các tư thế khác nhau (chẳng hạn, nằm nghiêng, tư thế đối mặt hoặc úp thìa, hay liên tục thay đổi vị trí người nằm trên). Các tư thế mới sẽ giúp bạn kiểm soát lực đẩy, tránh gây áp lực lên các vùng dễ bị đau hoặc tránh mất nhiều sức.

Đọc thêm bài viết:

>> Sống khỏe với ung thư – Sức khỏe tinh thần (P1)

>> Sống khỏe với ung thư – Sức khỏe tinh thần (P2)

2. Tình dục với nam giới

– Trước khi tiến hành hóa trị hoặc xạ trị vùng sinh dục, hãy tìm hiểu về việc lưu tinh trùng nếu bạn vẫn muốn có con sau này.

– Khoảng một nửa số nam giới gặp khó khăn khi cương cứng sau khi được xạ trị lên vùng sinh dục. Bất lực (không đủ khả năng cương cứng) thường không xảy ra ngay sau khi tiến hành xạ trị mà phát triển từ từ vào thời gian sau đó.

– Nam giới được điều trị ung thư tinh hoàn, tuyến tiền liệt, bàng quang, trực tràng, thậm chí đầu và cổ thường gặp vấn đề về cương cứng sau khi điều trị.

– Yêu cầu kiểm tra nồng độ Testosterone huyết thanh để xem có thể cải thiện vấn đề bằng liệu pháp thay thế hooc môn hay không (mặc dù không phải tất cả nam giới mắc bệnh ung thư đều có thể lấy Testosterone). Tìm hiểu về các biện pháp điều trị hoặc các loại thuốc khác.

– Xạ trị ở vùng sinh dục có thể gây đau khi xuất tinh trong thời gian ngắn. Xạ trị cũng làm giảm lượng tinh dịch và gây kích ứng da.

– Nam giới bị ung thư tinh hoàn với các hạch bạch huyết bị cắt bỏ thường có ít hoặc không có tinh dịch khi đạt cực khoái (Điều này còn được gọi là “xuất tinh khô”). Tinh dịch có thể trở lại trong vòng vài tháng hoặc vài năm hoặc không quay lại. Hãy nhớ tinh dịch không ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của bạn hay của đối tác.

– Với nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt, việc có máu trong tinh dịch không phải là bất thường trong thời gian chẩn đoán và điều trị, đặc biệt sau khi chọc hút tế bào. Đây không phải là Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh đáng lo ngại, tuy nhiên cần báo cho bác sỹ biết.

– Thỉnh thoảng bạn có thể vô tình bị ra một ít nước tiểu trong khi quan hệ. Tuy nhiên, không nên lo lắng về điều này. Nước tiểu thường vô trùng và không ảnh hưởng đến đối tác.

– Hãy tạo ra những bữa tối lãng mạn, kích thích cảm xúc và kéo dài màn dạo đầu.

– Tắm cùng nhau và làm phong phú đời sống tình dục.

3. Tình dục với nữ giới

– Đau khi quan hệ là hiện tượng rất phổ biến sau khi phẫu thuật đối với các bệnh ung thư phụ khoa vì có thể làm nhỏ hoặc thu hẹp âm đạo. Hãy hỏi kỹ bác sỹ phẫu thuật về mức độ cũng như những gì sẽ xảy ra khi quan hệ sau khi phẫu thuật. Một số biện pháp sau có thể hiệu quả đối với vấn đề này:

– Giữ âm đạo không bị bé đi và khít lại khi tiến hành xạ trị lên vùng âm đạo hoặc xương chậu. Bạn sẽ cần dùng ngón tay, dương vật của đối tác, hoặc dụng cụ đặc biệt để nới rộng âm đạo từ 3-4 lần một tuần trong quá trình điều trị và thời gian sau đó.

– Khi có kế hoạch phẫu thuật có liên quan đến âm đạo, hãy hỏi về việc sử dụng dụng cụ nới rộng âm đạo sau khi phẫu thuật. Đảm bảo biết rõ thời gian và cách sử dụng loại dụng cụ này.

– Sử dụng chất bôi trơn không mùi, không màu và ẩm nếu âm đạo quá khô khi quan hệ. Phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị hooc môn có thể gây khô.

– Chỉ cho đối tác cách âu yếm hoặc tư thế quan hệ thoải mái nhất cho bạn.

– Trước khi quan hệ, hãy kiểm tra xem có chỗ nào bị đau ở vùng sinh dục hay không.

– Hóa trị có thể làm mỏng thành âm đạo. Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ không phải là vấn đề lớn, tuy nhiên, việc sử dụng chất bôi trơn có thể cải thiện tình hình. Không dùng gel, màng hoặc xốp đặt âm đạo để tránh thai vì chúng chứa các hóa chất gây kích ứng âm đạo.

– Hóa trị cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục và khó khăn để đạt cực khoái hơn. Tình hình sẽ được cải thiện sau khi kết thúc điều trị.

– Bị rát khi quan hệ tình dục có thể do bị nhiễm nấm âm đạo. Trao đổi với bác sỹ nếu điều này xảy ra.

– Hóa trị có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn một thời gian, tuy nhiên không làm hoạt động của buồng trứng bị ngừng lại. Bạn vẫn có thể mang thai nếu không có kinh nguyệt trong vài tháng. Hãy trao đổi với bác sỹ về cách kiểm soát vì thuốc hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển.

– Hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể gây mãn kinh sớm. Trao đổi với bác sỹ về khả năng xảy ra tình trạng này.

– Nếu có khả năng bị vô sinh, hãy trao đổi với bác sỹ về khả năng đông lạnh mô buồng trứng hoặc phôi. Cần một ca phẫu thuật đặc biệt và chi phí cao để thực hiện điều này, tuy nhiên đây có thể là một lựa chọn đối với một số phụ nữ.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà- Đời sống tình dục

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà- Đời sống tình dục

4. Đối tác có thể làm gì

– Tìm hiểu xem ung thư và các liệu pháp điều trị có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động tình dục. Chẳng hạn, hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ như mệt mỏi. Phẫu thuật và xạ trị vùng sinh dục có thể làm thay đổi hẳn bề ngoài và hoạt động của bộ phận sinh dục.

– Tìm hiểu những thay đổi có thể ảnh hưởng đến chức năng và ham muốn tình dục mà đối tác có thể gặp phải nếu được điều trị bằng hooc môn

– Kiên nhẫn trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị. Chờ đến khi đối tác sẵn sàng cho hoạt động tình dục.

– Vuốt ve và tạo sự gần gũi khi người bệnh đang yếu. Có thể có sự thân mật mà không cần đến tình dục, cương cứng hay cực khoái.

– Tìm hiểu cảm giác của người bệnh về cơ thể và về hoạt động tình dục. Đôi lúc người bệnh sẽ cảm thấy không còn hấp dẫn sau khi được điều trị ung thư.

– Những thay đổi trên cơ thể người bệnh ảnh hưởng đến cảm giác của chính họ. Điều này ảnh hưởng đến cả hai người, và buồn phiền về những thay đổi và tổn thất là hoàn toàn bình thường. Có thể tìm một chuyên gia về sức khỏe tâm thần nếu có sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai bạn.

– Khi đối tác đã sẵn sàng, hãy thử các động tác và tư thế nhẹ nhàng hơn sao cho cả hai bạn đều thấy thoải mái. Tạo không gian và thời gian riêng tư để không bị làm phiền.

– Sử dụng chất bôi trơn không màu, không mùi và ẩm nếu cảm giác khô khiến cả hai bạn khó chịu.

– Nếu sợ làm đau đối tác, hãy nói chuyện với họ và trao đổi với bác sỹ.

4. Gọi bác sỹ/ điều dưỡng nếu người bệnh:

– Bị đau nhiều hơn

– Chảy máu

– Thay đổi bất thường về chức năng cương cứng hoặc lượng tinh dịch.

– Gặp bất cứ vấn đề nào về tình dục hoặc có thắc mắc về hoạt động tình dục.

(Theo Phòng khám Gia đình Việt Úc)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội