Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà - Trầm Cảm - Phòng khám gia đình Việt Úc

Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà – Trầm Cảm

[Ngày 20 tháng 4 năm 2016]

Cảm giác buồn rầu và chán nản thường xuyên diễn ra khi người bệnh và gia đình đối mặt với căn bệnh ung thư. Buồn, giận, phiền muộn, và rất nhiều cảm xúc khác đều là điều thông thường. Tuy nhiên khi những cảm xúc này kéo dài hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày thì lại là một vấn đề đáng lưu tâm.

Trầm cảm lâm sàng là một hội chứng khá nghiêm trọng có thể khiến người bệnh cảm thấy thất vọng và chán nản hơn. Trầm cảm lâm sàng khiến người bệnh khó khăn hơn khi thực hiện theo các kế hoạch điều trị. Tỉ lệ mắc bệnh này rơi vào khoảng 1 trong 4 người bệnh ung thư, tuy nhiên có thể đối phó. Người bệnh từng có tiền sử bị trầm cảm thường dễ mắc bệnh này hơn sau khi được chẩn đoán ung thư.

Những điều sẽ xảy đến với người bệnh của trầm cảm lâm sàng được liệt kê ở dưới. Gia đình và bạn bè có thể theo dõi các biểu hiện này để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh. Người bệnh ít khi gặp cùng lúc các triệu chứng lo âu và trầm cảm, tuy nhiên điều này vẫn có thể diễn ra.

Điều trị trầm cảm cho người bệnh ung thư có thể bao gồm việc sử dụng thuốc, tư vấn hoặc kết hợp cả hai, và có khi là các liệu trình điều trị đặc biệt. Các liệu trình này sẽ giúp cải thiện bệnh trầm cảm, giảm đau và giúp người bệnh ung thư có cuộc sống tốt hơn.

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh

Các biểu hiện của trầm cảm lâm sàng

Nếu có 5 hoặc nhiều hơn các triệu chứng dưới đây trong suốt hai tuần hoặc lâu hơn, hoặc các triệu chứng đủ nghiêm trọng để cản trở các hoạt động thông thường, người bệnh cần được các chuyên gia về sức khỏe hoặc tâm thần khám xem liệu có bị trầm cảm lâm sàng hay không:

  • Tâm trạng buồn bã hoặc trống rỗng cả ngày trong suốt nhiều ngày liên tục
  • Không còn hứng thú với các hoạt động vốn yêu thích
  • Gặp vấn đề về ăn uống (không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều), bao gồm tăng hoặc giảm cân*
  • Thay đổi về giấc ngủ (không thể ngủ, dậy quá sớm hoặc ngủ quá nhiều)
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng mỗi ngày*
  • Những người xung quanh nhận thấy bạn đang bồn chồn hoặc “chậm lại” hầu như mỗi ngày.
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng và bất lực
  • Khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ hoặc quyết định việc gì
  • Nghĩ đến cái chết, tự tử hoặc có ý định tự tử
  • Tâm trạng biến đổi thất thường

*Các vấn đề về thể chất như mệt mỏi, chán ăn, thay đổi về giấc ngủ cũng có thể là các tác dụng phụ do quá trình điều trị ung thư, và có thể kéo dài sau khi các liệu trình điều trị kết thúc. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia về nguyên nhân của các triệu chứng này và nếu trầm cảm có thể là một yếu tố.

Người bệnh có thể làm gì

  • Chia sẻ những cảm giác và nỗi sợ hãi mà bạn và các thành viên trong gia đình gặp phải. Bạn có thể thấy buồn, giận dữ, thất vọng, tuy nhiên đừng trút lên những người thân bên cạnh bạn.
  • Lắng nghe lẫn nhau.
  • Cùng nhau quyết định xem có thể làm gì để hỗ trợ lẫn nhau
  • Khuyến khích, nhưng không ép những người khác lên tiếng.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các nhóm tư vấn và hỗ trợ.
  • Cầu nguyện, thiền hoặc tìm đến các biện pháp hỗ trợ về tâm linh
  • Cố tập các bài tập thở sâu và thư giãn vài lần mỗi ngày (chẳng hạn, nhắm mắt, thở sâu, tập trung vào các bộ phận trên cơ thể và bắt đầu thư giãn từ ngón chân cho đến đỉnh đầu. Khi bạn cảm thấy dễ chịu, hãy tưởng tượng mình đang ở một nơi yên bình như bãi biển đầy gió nhẹ hay một ngọn đồi đầy nắng.)
  • Tìm hiểu về các biện pháp điều trị lo âu hoặc trầm cảm.
  • Cân nhắc việc trao đổi với các chuyên gia tư vấn để đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống của bạn.
  • Chắc chắn bác sỹ của bạn có danh sách các loại thuốc bạn sẽ sử dụng trước khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm.
  • Uống các loại thuốc được kê đơn.
  • Thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng trong ít nhất từ 2 đến 4 tuần. Các loại thuốc kích thích có thể được sử dụng trong thời gian này để giảm các triệu chứng.
  • Báo cho bác sỹ nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ sau khi bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm.
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn khi uống thuốc chống trầm cảm, trừ khi có sự đồng ý của bác sỹ.
  • Tìm hiểu xem thuốc chống trầm cảm có gây buồn ngủ không nếu bạn muốn lái xe.
  • Không được dừng uống thuốc trầm cảm đột ngột.

Người chăm sóc có thể làm gì

  • Nhẹ nhàng gợi cho người bệnh trò chuyện về nỗi sợ hãi và lo lắng của họ.
  • Không ép người bệnh trò chuyện khi chưa sẵn sàng.
  • Lắng nghe kỹ, không xét đoán cảm xúc của người bệnh và của chính bạn.
  • Có thể chỉ ra hoặc thể hiện sự phản đối với những suy nghĩ làm nhụt chí.
  • Đừng bảo người bệnh “vui lên” hoặc “suy nghĩ tích cực lên”.
  • Cùng nhau quyết định xem mình và người bệnh có thể làm gì để hỗ trợ nhau
  • Đừng cố gắng tìm ra nguyên nhân vì sao người bệnh sự hãi, lo lắng, trầm cảm nặng hơn. Hãy trao đổi với bác sỹ/ điều dưỡng về loại thuốc cần thiết hoặc các hình thức khắc phục khác.
  • Nếu cần, hãy cùng người bệnh đi khám hoặc điều trị
  • Khuyến khích người bệnh tham gia vào những hoạt động mà họ từng yêu thích
  • Nếu người bệnh bắt đầu sử dụng thuốc trầm cảm, hãy khuyến khích họ tiếp tục dùng cho đến khi tình hình được cải thiện (có thể mất 2-4 tuần). Trao đổi với bác sỹ kê đơn về các biện pháp điều trị khác nếu như các triệu chứng không được cải thiện sau đó.
  • Hãy trấn an người bệnh rằng thời gian và các biện pháp điều trị sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn.
  • Hãy nhớ rằng những người chăm sóc cũng có thể trở nên chán nản. Tất cả những lời khuyên ở đây cũng có thể áp dụng với người chăm sóc bệnh nân.
  • Vẫn dành thời gian cho chính mình. Ra ngoài cùng bạn bè hay làm những việc yêu thích.
  • Cân nhắc việc nhận hỗ trợ từ các nhóm hoặc tổ chức tư vấn.

Gọi ngay cho tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc bác sỹ/ điều dưỡng đang điều trị nếu như người bệnh:

  • Có ý đinh tự tử hoặc luôn nghĩ đến cái chết
  • Hành xử theo những cách khiến bạn cảm thấy họ không an toàn
  • Không thể ăn hoặc ngủ, không còn hứng thú với các hoạt động thường ngày trong suốt vài ngày
  • Gặp vấn đề về thở, nuốt hoặc cảm thấy quá mệt mỏi

Nếu Quý khách có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh ung thư tại nhà, Quý khách vui lòng liên hệ:

HOTLINE HÀ NỘI: 1800 6896

HOTLINE HỒ CHÍ MINH: 1800 6894

 

(Theo Phòng khám Gia đình Việt Úc


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội