Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà - Lở Miệng - Phòng khám gia đình Việt Úc

Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà – Lở Miệng

[Ngày 21 tháng 4 năm 2016]

Các vết cắt nhỏ hoặc vết loét ở miệng được xem là lở miệng. Vết lở có thể có màu rất đỏ hoặc có xuất hiện đốm trắng nhỏ ở giữa. Chúng có thể bị chảy máu hoặc nhiễm trùng. Các vết lở xuất hiện sau 1-2 tuần sau khi tiến hành một số loại hóa trị. Chúng cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như xạ trị trên vùng đầu và cổ, nhiễm trùng, mất nước, chăm sóc miệng kém, liệu pháp oxy, sử dụng thuốc lá và đồ uống có cồn, thiếu Vitamin hoặc Protein. Cần 2-4 tuần để các vết lở lành lại. Lở miệng có thể gây đau và dẫn đến mất nước, chán ăn và giảm cân.

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh

  • Tấy đỏ, sáng bóng hoặc sưng phía bên trong miệng
  • Vết lở loét nhỏ phía trong miệng, nướu, trên hoặc dưới lưỡi
  • Có màng trắng hoặc vàng phía trong miệng hoặc trên lưỡi
  • Chảy máu trong miệng
  • Mảng trắng hoặc mủ bên trong miệng
  • Tăng dịch nhầy trong miệng
  • Bị đau phía trong miệng hoặc cổ họng
  • Cảm giác khô, rát nhẹ hoặc đau khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh.

Người bệnh có thể làm gì

  • Kiểm tra miệng 2 lần một ngày. Tháo răng giả nếu có trước khi kiểm tra. Báo với bác sỹ nếu có dấu hiệu khác thường trong miệng hoặc nhận thấy mùi vị thức ăn bị thay đổi.
  • Làm theo hướng dẫn chăm sóc miệng dưới đây 30 phút sau ăn và 4 giờ một lần khi thức dậy, hoặc ít nhất 2 lần một ngày trừ khi bạn nhận được chỉ dẫn khác.
  • Đánh răng bằng bàn chải mềm. Có thể ngâm bàn chải trong nước nóng và dùng nước ấm để đánh răng để lông bàn chải mềm hơn. Nếu bàn chải đánh răng làm bạn bị đau, hãy dùng que có băng gạc quấn quanh để vệ sinh miệng.
  • Làm sạch bàn chải đánh răng bằng nước ấm sau khi sử dụng, bảo quản ở nơi khô ráo.
  • Sử dụng loại kem đánh răng có Flour và không chứa chất mài mòn. Lưu ý các loại kem làm trắng răng chứa oxy già có thể gây lở miệng.
  • Tháo và làm sạch răng giả sau khi ăn. Hãy tháo bỏ răng giả sau bữa ăn hoặc vào ban đêm nếu có vết lở dưới răng
  • Vệ sinh răng giả sạch sẽ giữa các lần sử dụng và ngâm trong dung dịch sát khuẩn. Không sử dụng trong khi đang điều trị nếu răng giả không được khít.
  • Vệ sinh miệng nhẹ nhàng trước khi đi ngủ, trước và sau bữa ăn bằng một trong các hỗn hợp dưới đây (Khuấy hoặc lắc kỹ dung dịch, nhẹ nhàng súc miệng, sau đó nhổ ra):
  • 1 muỗng cà phê baking soda (thuốc muối) hòa với 500ml nước
  • 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê baking soda hòa với 1 lít nước
  • Tránh dùng nước súc miệng có cồn hoặc các chất kích thích khác.
  • Nếu bạn hay dùng chỉ nha khoa, sử dụng ít nhất 1 lần một ngày trừ khi có hướng dẫn khác. Báo cho bác sỹ nếu chỉ nha khoa gây chảy máu hoặc các vấn đề khác. Nếu không thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa, hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.
  • Giữ môi ẩm và không bị khô bằng kem dưỡng ẩm.
  • Uống ít nhất 2 đến 3 lít nước mỗi ngày với sự đồng ý của bác sỹ
  • Có thể sử dụng thuốc Maalox hoặc sữa Magie để đẩy nhanh quá trình lành vết lở. Các sản phẩm này có thể được sử dụng bằng cách dùng bông hoặc gạc mềm để chấm thuốc vào vết lở. Chờ 15-20 phút sau đó súc miệng lại bằng nước.
  • Nếu miệng bị đau nhiều và gây khó khăn khi ăn uống, hãy tìm hiểu các loại thuốc dùng 15-20 phút trước khi ăn hoặc chấm lên vết lở trước các bữa ăn. Nếu tình hình không cải thiện, hãy dùng loại thuốc mạnh hơn và hỏi ý kiến bác sỹ về các loại thuốc giảm đau.
  • Ăn các loại đồ ăn lạnh (như kem, nước đá, sữa chua cứng, nước trái cây)
  • Thức ăn ẩm, mềm, dễ nuốt.
  • Chia thành các bữa nhỏ với các thức ăn mềm và không cay. Tránh ăn rau quả sống và các loại thức ăn cứng, khô, giòn như khoai tây chiên hoặc bánh quy.
  • Không ăn các thức ăn mặn, cay hoặc quá ngọt.
  • Tránh dùng các loại trái cây và nước ép có chứa axit như cà chua, cam, bưởi, chanh.
  • Tránh dùng đồ uống có ga và cồn, không hút thuốc lá.
  • Tạo bầu không khí ăn uống dễ chịu.

Người chăm sóc có thể làm gì

  • Dùng đèn pin nhỏ kiểm tra miệng người bệnh xem có vùng đỏ, mảng trắng nào có thể trở thành các vết lở hay không. Nếu người bệnh dùng răng giả, hãy tháo ra trước khi kiểm tra.
  • Cho người bệnh dùng các thức ăn hoặc đồ uống lỏng bằng ống hút để tránh chạm vào các vết lở trong miệng.
  • Cho người bệnh dùng các thức ăn mềm. Xay nhuyễn thức ăn để dễ ăn hơn.
  • Cho người bệnh dùng các loại thuốc chứa Anbesol hoặc Orajel trước bữa ăn để bảo vệ các vết lở.
  • Cho người bệnh dùng thuốc giảm đau 30 phút trước khi ăn.

Gọi bác sỹ/ điều dưỡng nếu người bệnh:

  • Bị đỏ, bóng bên trong miệng, kéo dài hơn 48 giờ.
  • Nướu bị chảy máu
  • Phát hiện ra bất cứ vết cắt hoặc lở nào bên trong miệng
  • Sốt cao hơn 38 độ khi đo bằng nhiệt kế miệng.
  • Có các mảng trắng trên lưỡi hoặc phía bên trong miệng
  • Ăn uống ít hơn hẳn trong 2 ngày
  • Không thể uống thuốc vì bị lở miệng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội