Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà - Khó Thở - Phòng khám gia đình Việt Úc

Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Tại Nhà – Khó Thở

[Ngày 21 tháng 4 năm 2016]

Người bệnh thường gặp tình trạng khó thở khi cơ thể không có đủ Oxy. Hoặc phổi không thể lấy đủ không khí, hoặc cơ thể không nhận đủ Oxy qua máu. Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra vấn đề này, đó là bệnh ở phổi, đường hô hấp bị nghẽn, viêm phổi (nhiễm trùng), cơ hô hấp yếu, hoặc béo phì. Tình trạng khó thở cũng có thể xuất phát từ cơn đau, liệt, thiếu dinh dưỡng, căng thẳng hoặc lo lắng, dị ứng, phẫu thuật, thiếu máu, tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị, khối u, dịch trong phổi, suy tim hoặc các vấn đề khác.

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh

  • Khó thở hoặc gặp vấn đề về thở khi nghỉ ngơi, ăn uống, nói chuyện hoặc tập thể dục
  • Đau ngực
  • Thở nhanh hơn
  • Tim đập nhanh hơn
  • Da, vùng da quanh ngón tay và miệng nhợt nhạt hoặc xanh xao
  • Da lạnh và ẩm
  • Lỗ mũi phồng lên khi hít vào
  • Thở khò khè

Người bệnh có thể làm gì

  • Bình tĩnh
  • Ngồi dậy hoặc nằm có gối kê để lưng được giữ nghiêng góc 45 độ.
  • Uống thuốc hoặc áp dụng phương pháp điều trị được chỉ định (chẳng hạn, dùng máy trợ thở, uống thuốc làm giảm khò khè, dùng ống hít hoặc máy khí dung)
  • Kiểm tra nhiệt độ cơ thể và nhịp tim
  • Hít vào thật sâu bằng mũi, mím môi và thở ra bằng miệng (Đây còn gọi là phương pháp thở mím môi)
  • Nếu sau 5 phút bạn vẫn không thấy dễ thở hơn, hãy ngồi trên giường, gác chân lên ghế, cánh tay thư giãn, đầu nghiêng nhẹ về phía trước.
  • Nếu bạn bị ho và khạc nhổ, hãy để ý lượng đờm, màu sắc và mùi
  • Báo cho bác sỹ về những ảnh hưởng do các vấn đề về thở gây ra, đặc biệt nếu bạn phải tránh một số hoạt động hằng ngày do bị khó thở.
  • Thư giãn cơ bắp để giảm lo lắng. Lo lắng có thể khiến tình trạng khó thở trở nên trầm trọng.
  • Có thể tham khảo ý kiến bác sỹ về một số loại thuốc uống khi bị khó thở.
  • Nếu tình trạng khó thở bắt đầu đột ngột và không đỡ, da, miệng hoặc vùng da gần móng tay sẽ bị nhợt nhạt hoặc xanh; nếu bạn thấy khó chịu ở ngực hoặc choáng váng, hãy gọi ngay cấp cứu.

Người chăm sóc có thể làm gì

  • Kiểm tra nhịp tim trong 1 phút của người bệnh bằng cách sử dụng đồng hồ (không nói cho người bệnh biết vì nếu họ biết, người bệnh có thể thở nhanh hoặc chậm hơn)
  • Theo dõi xem người bệnh có bị sốt không
  • Khi người bệnh cảm thấy khó thở, thay hoặc nới lỏng quần áo nếu bị chật
  • Cho người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái
  • Nhắc người bệnh hít vào chậm và sâu, sau đó thở ra thật chậm
  • Đưa người bệnh ra khỏi vùng có nhiệt độ cao vì có thể gây khó thở.
  • Lưu ý thời điểm người bệnh bị thở dốc (Khi hoạt động bình thường, khi nói chuyện, hay khi nghỉ ngơi?) Cũng để ý khi thở dốc người bệnh đang đứng, ngồi hay nằm.
  • Ở gần cửa sổ thoáng mát hoặc gần quạt nhẹ có thể giúp một số người bệnh cảm thấy dễ thở hơn.
  • Cho người bệnh uống thuốc hoặc sử dụng ống hít theo chỉ dẫn của bác sỹ
  • Nếu người bệnh được chỉ định dùng máy thở oxy tại nhà, cần biết cách thiết lập và sử dụng an toàn (Không thay đổi tốc độ dòng khí nếu không có chỉ dẫn của bác sỹ).

Gọi bác sỹ/ điều dưỡng nếu người bệnh:

  • Khó thở hoặc bị đau ngực
  • Đờm đặc, vàng, xanh và/hoặc có lẫn máu
  • Da, móng tay, miệng nhợt nhạt hoặc thâm; thấy da người bệnh lạnh và dính
  • Sốt cao hơn 38 độ khi đo bằng nhiệt kế miệng
  • Mũi phập phồng khi thở
  • Trở nên nhầm lẫn hoặc bồn chồn
  • Gặp vấn đề khi nói
  • Bị choáng hoặc yếu hẳn
  • Mặt, cổ và cánh tay bị sưng
  • Bắt đầu thở khò khè

(Theo Phòng khám Gia đình Việt Úc


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội