12 Triệu Chứng Tuyệt Đối Không Nên Bỏ Qua Ở Trẻ - Phòng khám gia đình Việt Úc

12 Triệu Chứng Tuyệt Đối Không Nên Bỏ Qua Ở Trẻ

 

[Ngày 6 tháng 10 năm 2015]

Chờ đợi và chẩn đoán là phương pháp thường được áp dụng đối với một số vấn đề về sức khỏe của trẻ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

a-1

Vấn đề có thật sự nghiêm trọng?

Trở thành cha mẹ đã là một kỳ tích cực kỳ lớn. Bạn xứng đáng với hàng loạt các huy chương danh hiệu về y tế, mặc dù cũng có những điều gây phiền toái. Nhưng đôi khi, thật khó để gọi điện cho bác sỹ thường xuyên với những câu hỏi đại loại như: Nhiệt độ như thế nào được xem là “sốt cao”? Đau bụng như thế nào là bất thường? Hay khi có vấn đề khẩn cấp xảy ra, bạn nên gọi bác sỹ hay đến thẳng phòng cấp cứu?

Anita Chandra-Puri, bác sỹ nhi khoa từ Đại học Northwestern Memorial tại Chicago và đồng thời cũng là phát ngôn viên của Học viện Nhi Khoa tại Mỹ đã phát biểu:  “Các bậc cha mẹ cần hết sức thận trọng và tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế ngay khi có bất cứ lo lắng nào”. Tuy nhiên, để có chỉ dẫn cụ thể hơn, chúng tôi đã trao đổi với một số các bác sỹ nhi hàng đầu về 12 triệu chứng luôn cần đến sự chăm sóc y tế.

1. Sốt cao

Là triệu chứng sốt trên 38 độ ở trẻ dưới 3 tháng, 38.3 độ ở trẻ từ 3 đến 6 tháng; hoặc cao hơn 39.5 độ ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Các bác sỹ nhi khoa nhấn mạnh rằng khi xảy ra tình trạng sốt, con số trên nhiệt kế không quan trọng bằng tình trạng của bé. Có một ngoại lệ lớn là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi cần đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu sốt trên 38 độ. Bác sỹ nhi khoa và tư vấn viên Jennifer Shu, đồng tác giả của cuốn Heading Home With Your Newborn: From Birth to Reality cho biết “Nếu bé bị sốt do nhiễm khuẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan khắp cơ thể. Đây là loại virut phổ biến gây nên triệu chứng này, nhưng chúng ta cũng cần kiểm tra cẩn thận để có kết luận chính xác”

Điều quan trọng là cần gọi ngay cho bác sỹ. Nếu ngoài giờ làm việc, hãy đưa bé đến thẳng phòng cấp cứu. Nếu trẻ trên 2 tuổi, cơn sốt không quá nghiêm trọng nếu trẻ không bị mất nước và hoạt động bình thường. Hãy gọi bác sỹ nhi khoa để có chỉ dẫn cụ thể.

2. Sốt kéo dài

Là triệu chứng sốt không thuyên giảm khi điều trị, hay kéo dài trên 5 ngày.

Nếu bạn đã cho bé uống thuốc giảm sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen nhưng nhiệt độ của bé vẫn không thay đổi trong vòng từ bốn đến sáu giờ, hãy gọi bác sỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nhiễm trùng quá nặng và khó có thể chống đỡ. Bác sỹ sẽ khám kỹ để xác định nguyên nhân. Sốt do vi rút thông thường như cảm lạnh hoặc cúm sẽ khỏi trong vòng năm ngày. Nếu như sốt diễn ra dai dẳng hơn – cho dù chỉ ở mức 38 độ, có thể do nhiễm khuẩn như viêm phổi và cần được điều trị bằng kháng sinh.

3. Sốt kèm đau đầu

Là triệu chứng sốt đi cùng với đau nhức ở cổ hoặc đau đầu hay phát ban trông như vết bầm tím hay chấm đỏ nhỏ.

Hãy gọi ngay cho bác sỹ – đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não và cần được chữa trị ngay lập tức.

4. Phát ban dạng hình tròn

Nốt ban có dạng như mắt bò hoặc bao gồm những chấm đỏ rất nhỏ không biến mất khi ấn lên da, hoặc có nhiều vết bầm tím.

Nốt ban có hình vòng với một chấm nhạt ở trung tâm có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme. Nếu như bạn thấy các chấm nhỏ như đầu đinh ghim nằm dưới da, hãy cho bé đi khám ngay, bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nghiêm trọng. Các vết bầm tím lan rộng không rõ nguyên do có thể báo hiệu bệnh về máu. Ngoài ra, những nốt phát ban thường hơi nổi lên bề mặt da có thể là dấu hiệu của dị ứng. Nếu bé cảm thấy khó thở, bị kích động hoặc lờ đờ, hãy gọi ngay bác sỹ.

5. Nốt ruồi bất thường

Là nốt ruồi mới xuất hiện hoặc đang thay đổi.

Hãy lưu ý về những nốt ruồi của bé, đặc biệt là những nốt có từ khi bé sinh ra, bởi chúng có nguy cơ trở thành ác tính. Hãy kiểm tra hàng tháng lúc bé tắm. Báo cho bác sỹ nếu bạn nhận thất nốt ruồi nào có hình dạng bất thường, không đều, màu không đồng nhất, hay lớn dần lên. Tất cả đều là những dấu hiệu của bệnh ung thư da.

6. Đau bụng đột ngột

Đau ở vùng bụng dưới bên phải, hoặc đau đột ngột dữ dội từng cơn.

Nếu con bạn bị đau vùng bụng dưới bên phải, hãy bảo bé nhảy lên nhảy xuống – nếu làm vậy khiến bé đau nặng hơn thì đó có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa. Mặc dù ruột thừa nằm ở phía dưới bên phải ổ bụng, cơn đau có thể bắt đầu xung quanh rốn và lan sang bên phải. Nếu chỉ bị đau bụng bình thường do vi rút, thường bé sẽ bị sốt nhẹ, sau đó nôn, đau bụng và tiêu chảy. Với viêm ruột thừa, bé sẽ bị tiêu chảy, đau, nôn, sau đó mới đến sốt.

Nếu bạn để ý thấy những dấu hiệu này, hãy gọi bác sỹ — viêm ruột thừa tiến triển rất nhanh và sẽ được chữa trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

Nếu bé dưới 4 tuổi và đau bụng khiến bé phải gập người lại trong một phút rồi trở về bình thường trong phút tiếp theo, đây có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột, một tình trạng nghiêm trọng xảy ra ở trẻ nhỏ khi một đoạn ruột này bị lồng vào một đoạn khác. Cơn đau tăng dần trong 20 – 60 phút và có thể kèm theo nôn, sốt, đi ngoài ra máu, phân có dạng như mứt nho. Hãy gọi ngay cho bác sỹ nếu con bạn chỉ bị đau bụng. Nếu bị đau quặn kèm dấu hiệu trong phân, hãy đưa bé đến thẳng bệnh viện.

7. Đau đầu kèm nôn mửa

Cơn đau đầu xuất hiện vào buổi sáng sớm hay làm bé tỉnh giấc giữa đêm, hoặc đi kèm nôn mửa.

Đây có thể là những dấu hiệu của chứng đau nửa đầu. Bác sỹ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đau nửa đầu ở trẻ em không quá nguy hiểm, và thường có tính chất di truyền. Tuy vậy, cơn đau đầu vào sáng sớm hoặc giữa đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng nào đó, và đây là lý do bạn cần đi khám bác sỹ ngay.

8. Đi tiểu ít

Miệng và môi bị khô, đi tiểu ít, thóp trũng (ở trẻ sơ sinh), da khô và không trở lại bình thường ngay sau khi véo, nôn hoặc tiêu chảy nhiều.

Những dấu hiệu này thường liên quan đến mất nước và cần được điều trị nhanh chóng vì mất nước có thể dẫn đến sốc. Hãy gọi cấp cứu hoặc đưa bé đến bệnh viện nếu bạn nghĩ bé đang ở gần trạng thái này. Cách khác là gọi bác sỹ và cố cho bé bù thêm nước.

9. Môi tím xanh

Quanh miệng bị xanh tím hoặc thay đổi màu sắc; khó thở (bạn có thể nhìn thấy qua ngực và bụng bé); thở gấp, lè nhè hay thở rít.

Các vấn đề về hô hấp thường đang lo ngại hơn khi âm thanh phát ra từ lồng ngực và phổi chứ không phải từ mũi. Rối loạn hô hấp nghiêm trọng thường do ngạt, dị ứng, hen suyễn (xảy ra ở trẻ vài tháng tuổi), viêm phổi, ho gà hoặc viêm thanh quản cấp. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc gọi cấp cứu ngay.

Nếu không rõ trẻ có gặp vấn đề nghiêm trọng hay không, hãy kiểm tra nhịp thở của bé. Đếm số nhịp thở trong 30 giây và nhân đôi. Nhịp thở bình thường là dưới 60 lần/phút đối với trẻ mới sinh; ít hơn 40 lần/phút đối với trẻ dưới 1 tuổi; ít hơn 30 lần/phút đối với trẻ từ 1-3 tuổi; ít hơn 24 lần/phút đối với trẻ từ 4-10 tuổi.

10. Sưng mặt

Lưỡi, môi hoặc mắt bị sung, đặc biệt đi kèm với nôn mửa hoặc ngứa

Đây là những dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ). Các triệu chứng bao gồm sưng, khó thở, nổi mày đay nặng cần được khám và chữa ngay. Gọi cấp cứu và nếu có thể hãy tiêm cho trẻ một liều EpiPen hay cho trẻ uống một liều kháng sinh Benadryl trong khi chờ đợi. Với những triệu chứng nhẹ hơn, hãy gọi và hỏi ý kiến bác sỹ về việc cho trẻ dùng antihistamine để làm giảm các triệu chứng.

11. Nôn sau khi bị ngã

Trẻ bị ngã khi chưa được 6 tháng tuổi, hoặc có những thay đổi về thần kinh rõ rệt như mất ý thức, nôn hay bất cứ tổn thương nào khác như gãy xương.

Những tình huống khẩn cấp như thế này cần phải được bác sỹ xử lý – vì thế hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nhìn chung bị ngã không phải là vấn đề lớn đối với trẻ trên 6 tháng tuổi nếu như bé chỉ ngã từ độ cao thấp và không va vào vật gì cứng hoặc nhọn.

12. Chảy máu nhiều

Vệt thương há miệng rộng đến mức có thể đưa đầu tăm bông vào, hoặc máu không tự cầm sau vài phút ép chặt.

Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần được khám và chữa ngay (có thể là khâu, băng và kẹp vết thương). Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương, bạn có thể gọi cấp cứu, đưa trẻ đến bệnh viện hoặc gọi cho bác sỹ nhi. Cũng nên cho bé đi khám nếu như bé bị con vật nào đó cắn hoặc bé khác cắn gây rách da.

Nếu Quý khách có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh ung thư tại nhà, Quý khách vui lòng liên hệ:

HOTLINE HÀ NỘI: 1800 6896

HOTLINE HỒ CHÍ MINH: 1800 6894

(Theo Parents Magazine – Sưu tầm và Dịch bởi PHÒNG KHÁM GIA ĐÌNH VIỆT ÚC


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hồ Chí Minh Hà Nội